Thông tin cơ bản về đất nước Thụy Sĩ

I. THÔNG TIN CƠ BẢN:
Tên nước: LIÊN BANG THỤY SĨ (The Confederation of Switzerland);
Thủ đô: Bern (Bơn);
Quốc khánh: Ngày 01 tháng 8;
Vị trí địa lý: Nằm ở Trung Âu (Phía Bắc giáp Đức, Nam giáp Ý, Tây giáp Pháp, Đông giáp Áo và Lích-then-xờ-tai-nờ);
Diện tích: 41.290 km2;
Khí hậu: Ôn đới, nhiệt độ trung bình 12oC;
Dân số: 7,8 triệu người;
Dân tộc: Do hoàn cảnh lịch sử, Thụy Sĩ không có ngôn ngữ riêng, mà gồm 4 cộng đồng dân cư nói 4 ngôn ngữ khác nhau. Cộng đồng nói tiếng Đức chiếm 2/3 dân số, sống ở miền Đông (vùng Luzern, Zurich, Basel …), giáp Đức và Áo. Cộng đồng nói tiếng Pháp chiếm 1/3 dân số, sống chủ yếu ở phía Tây Thụy Sĩ (vùng Lausanne và Genève), giáp biên giới Pháp. Khoảng 10% dân số nói tiếng Ý và số còn lại khoảng 7% dân số nói tiếng Roman, sống tại miền Nam giáp Ý.
Ngôn ngữ: Tiếng Đức (63,7 %); Tiếng Pháp (20,4 %); Tiếng Ý (6,5 %); các ngôn ngữ khác (9,4 %);
Tôn giáo: Thiên chúa giáo La mã (42 %); Tin lành (35 %); Đạo Hồi (4 %);
Cơ cấu hành chính: 26 bang (Aargau, Appenzell Ausser-Rhoden, Appenzell Inner-Rhoden, Basel-Landschaft, Basel-Stadt, Bern, Fribourg, Geneve, Glarus, Graubunden, Jura, Luzern, Neuchatel, Nidwalden, Obwalden, Sankt Gallen, Schaffhausen, Schwyz, Solothurn, Thurgau, Ticino, Uri, Valais, Vaud, Zug, Zurich);
Lãnh đạo chủ chốt: Tổng thống Eveline Widmer-Schlumpf (nhiệm kỳ 2012), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Hansjorg Walter (nhiệm kỳ 2012); Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Liên bang Hans Altherr (nhiệm kỳ 2012); Bộ trưởng Ngoại giao Didier Burkhalter.
Đơn vị tiền tệ: Francs; 
GDP: 330 tỷ USD (2011), tăng 2 % so với năm 2010
GDP/ đầu người: khoảng 44.000 USD (2011)
Tỷ lệ thất nghiệp: 3,4% (01/2012)

II. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ:
- Vào thế kỷ XI, Thụy Sĩ là bộ phận của Đế quốc La Mã.
- Năm 1291, ba khu vực lãnh thổ địa phương và một số vùng rừng thuộc vùng Schwyz (thuộc bang Schwyz ngày nay) liên kết với nhau, gia nhập liên minh chống lại Đế quốc Háp-xbuốc. Liên minh chính thức ra đời ngày 1/8/1291 trên cơ sở các Minh ước quân tử, vì thế ngày này được chọn làm ngày quốc khánh của Thụy Sĩ.
- Đến năm 1513, Liên minh lớn mạnh với 13 vùng và một số lãnh thổ độc lập. Trong thế kỷ 16 có nhiều biến động xảy ra như: chiến tranh tôn giáo, các thành phố Zurich, Badel, Bern và Schaffhausen chuyển sang theo đạo Tin lành, nhưng Liên minh vẫn tồn tại và được giữ vững.
- Trong thời kỳ Cách mạng Pháp, Cộng hòa Hen-ve-tic (Thụy Sĩ ngày nay) được thành lập, nhưng sau đó bị Na-pô-lê-ông giải tán vào năm 1803 và bị biến thành một nước đồng minh của Pháp.
- Tại Đại hội Viên năm 1815, quy chế “Trung lập vĩnh viễn” và đường biên giới của Thụy Sĩ được công nhận và tồn tại cho đến ngày nay.
- Đầu thế kỷ 19, tình hình chính trị Thụy Sĩ diễn ra căng thẳng, khiến một số vùng rút khỏi Liên bang. Tuy nhiên, nhờ có bản Hiến pháp mang tính thỏa hiệp được ban hành năm 1848, mâu thuẫn giữa chính quyền các tiểu bang và chính quyền trung ương được dung hòa, thể chế liên bang được duy trì cho đến ngày nay.

III. THỂ CHẾ NHÀ NƯỚC:
Thụy Sĩ theo chế độ cộng hòa với mô hình nhà nước liên bang. Cấu trúc nhà nước liên bang được phân thành ba cấp như sau: chính quyền liên bang (confederation), chính quyền bang (canton) và chính quyền xã (commune).
Mọi sửa đổi trong Hiến pháp của liên bang hay của các bang phải được thực hiện thông qua trưng cầu dân ý.
1/ Cơ quan lập pháp:
Quốc hội Thụy Sĩ theo chế độ lưỡng viện, gồm Hội đồng Nhà nước (council of states) tương đương Thượng viện và Hội đồng quốc gia (national council) tương đương Hạ viện.
- Hội đồng Nhà nước (Thượng viện) là cơ quan đại diện cho 26 bang (canton) tại Liên bang, gồm 46 nghị sỹ được bầu trực tiếp từ các bang theo quy định của từng bang với nhiệm kỳ 3 hoặc 4 năm. Trong số 46 ghế trong Hội đồng Nhà nước, 40 ghế phân cho 20 bang (mỗi bang hai ghế), 6 ghế còn lại phân đều cho 6 phân bang (half-canton). Các phân bang gồm: Obwalden, Nidwalden, Appenzell Innerrrhoden, Appenzell Ausserrhoden, Basel-Landschaft và Basel-Stadt.
- Hội đồng Quốc gia (Hạ viện) gồm 200 nghị sỹ được bầu bằng tuyển cử phổ thông đầu phiếu theo quy định của Luật liên bang, với nhiệm kỳ 4 năm. Số nghị sỹ được bầu từ mỗi bang tỷ lệ thuận với dân số của bang đó.
Mỗi năm Quốc hội họp 4 kỳ, mỗi kỳ kéo dài khoảng 3 tuần. Trong trường hợp cần thiết Quốc hội có thể triệu tập phiên họp bất thường. Cứ vào dịp cuối mỗi năm, Quốc hội bầu Tổng thống cho năm sau.
2/ Cơ quan hành pháp:
Cơ quan hành pháp của Thụy Sĩ là Hội đồng Liên bang (federal council) với chức năng như Chính phủ, có nhiệm kỳ 4 năm, gồm 7 thành viên (được Quốc hội bầu chọn trong số các ứng cử viên của 4 đảng chính trị giành số phiếu cao nhất trong bầu cử Quốc hội), đồng thời là bẩy Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực ngoại giao; nội vụ; tư pháp và công an; quốc phòng, bảo vệ dân sự và thể thao; tài chính; kinh tế; môi trường, vận tải, năng lượng và thông tin. Thụy Sĩ không có chức danh tương tự Thủ tướng.
Các thành viên của Hội đồng Liên bang sẽ lần lượt làm Tổng thống với nhiệm kỳ 1 năm, bắt đầu từ ngày 1/1 hàng năm. Tổng thống chỉ làm chức năng đại diện Nhà nước về mặt nghi lễ (đón tiếp người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ nước ngoài; chủ trì, dự hội nghị quốc tế...).
Theo luật pháp Thụy Sĩ, Hội đồng Liên bang phụ trách chung các vấn đề về đối ngoại, quốc phòng, an ninh của cả liên bang. Tất cả các quyết định đều phải được thông qua 7 thành viên của Hội đồng Liên bang xem xét và chấp thuận. Trường hợp không đạt được sự thống nhất giữa 7 thành viên này, thì các quyết định sẽ phải trình lên Quốc hội xem xét, quyết định. Chính quyền của các bang có thẩm quyền quyết định các vấn đề về kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục ... của bang mình.

IV. CÁC ĐẢNG PHÁI CHÍNH TRỊ:
Từ năm 1959 đến 2003, các đảng Dân chủ xã hội (SPS), Dân chủ tự do (FDP), Dân chủ Thiên chúa giáo (CVP) và Nhân dân (SVP) luôn là 4 đảng mạnh nhất trong Quốc hội và chia nhau 7 ghế trong Chính phủ theo công thức 2-2-2-1 (Công thức thần kỳ). Tại cuộc bầu cử Quốc hội năm 2003, đảng Nhân dân thắng lợi lớn, còn đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CVP) đạt được kết quả thấp nhất trong 4 đảng, phải nhường 1 ghế cho đảng Nhân dân, do đó vị trí trong “công thức thần kỳ” được xác lập lại, cụ thể đảng Nhân dân (2 ghế), đảng Dân chủ xã hội (2 ghế), đảng Dân chủ tự do (2 ghế) và đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (1 ghế). Công thức này tiếp tục được duy trì tại cuộc bầu cử gần đây vào năm 2007.
Tại cuộc bầu cử quốc hội năm 2007, Đảng Nhân dân (SVP) giành thắng lợi lớn đạt 29 % phiếu; Đảng Dân chủ xã hội (SPS): 19,5 %; Đảng Dân chủ tự do 15,6 %; Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CVP) 14,6 %; Đảng Xanh 9,6 % và các đảng còn lại (đạt dưới 2 % số ghế trong Hội đồng Quốc gia).
Ngày 23/10/2011, Thuỵ Sĩ đã tổ chức bầu cử Quốc hội thường kỳ để bầu 200 hạ nghị sỹ và 46 Thượng nghị sỹ nhiệm kỳ 4 năm 2012 - 2015. Đảng Nhân dân Thụy Sỹ (cực hữu) được 54 ghế (giảm 8 ghế), Đảng XHDC được 46 ghế (tăng 3 ghế), Đảng Tự do Cấp tiến (trung hữu) được 30 ghế (giảm 5 ghế), Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (trung hữu) được 28 ghế (giảm 3 ghế), Đảng Xanh (cánh tả) được 15 ghế (giảm 5 ghế), Đảng Sinh thái Tự do (tách ra từ đảng Xanh) được 12 ghế (tăng 9 ghế), Đảng Dân chủ Bảo thủ (tách ra từ Đảng Nhân dân Thuỵ Sỹ) được 9 ghế và các đảng nhỏ được 6 ghế.

V. KINH TẾ:
Mặc dù là nước không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, địa hình chủ yếu là đồi núi, diện tích nhỏ, dân số ít, nhưng Thụy Sĩ là một trong những nước có nền sản xuất công nghiệp phát triển cao và có mức sống cao nhất thế giới. Cơ cấu các ngành kinh tế của Thụy Sĩ phân chia như sau: dịch vụ chiếm 71 %, công nghiệp 27,7 % và nông nghiệp 1,3 %.
Thụy Sĩ nổi tiếng là một trong những trung tâm ngân hàng, bảo hiểm lớn của thế giới. Phần lớn các ngân hàng lớn, các hãng bảo hiểm nổi tiếng tập trung tại thành phố Zurich. Công nghiệp của Thụy Sĩ phát triển ở trình độ cao, tập trung vào các ngành cơ khí chế tạo (tuốc-bin thuỷ điện, đồng hồ tinh xảo), dệt, chế biến thực phẩm, dược, hóa chất, chế biến gỗ. Bơ, sữa và cỏ khô cho gia súc là những sản phẩm nông nghiệp quan trọng. Ngành du lịch và thuế thu từ các tổ chức quốc tế đóng trụ sở tại Thụy Sĩ cũng mang lại cho Thụy Sĩ nguồn thu đáng kể.
Khác với các nước eurozone đang chịu khủng hoảng nợ, nền kinh tế Thụy Sĩ trong năm 2011 có nhiều điểm sáng: tăng trưởng kinh tế 2%, lạm phát 0,7 %, thất nghiệp 3,1%.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Thụy Sĩ bao gồm thiết bị máy móc, hóa chất, kim khí, đồng hồ... Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của Thụy Sĩ đạt hơn 235,2 tỷ USD. Khách hàng chính của Thụy Sĩ gồm Đức (19,7 %), Mỹ (11,1 %), Ý (8,8 %), Pháp (8,6 %), Anh (4,8 %).
Thụy Sĩ nhập khẩu thiết bị máy móc, ô tô, dệt may, các sản phẩm nông nghiệp ..., chủ yếu từ các nước Đức (31,7 %), Ý (10,6 %), Pháp (10 %), Mỹ (6,2 %), Hà Lan (4,7 %), Áo (4,3 %). Tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu năm 2010 là 220,4 tỷ USD.

VI. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI:
Thụy Sĩ theo đuổi chính sách đối ngoại trung lập nhằm giữ độc lập và bảo vệ lợi ích dân tộc, tăng cường vị thế trên thế giới. Chính sách đối ngoại trung lập là công cụ quan trọng, xuyên suốt và là nội dung chủ yếu của nền ngoại giao Thụy Sĩ từ 1815 tới nay.
Thụy Sĩ nhấn mạnh chính sách đối ngoại phải dựa trên luật pháp. Luật pháp quốc tế là công cụ để bảo vệ quyền lợi các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia nhỏ và quan hệ quốc tế cần được tiến hành trên các quy định của luật pháp quốc tế. Do đó, việc tôn trọng pháp luật quốc tế là điểm đặc trưng và nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của Thụy Sĩ.
Thụy Sĩ không thực hiện chính sách đối ngoại trung lập theo một định chế cứng nhắc mà sử dụng chính sách này như một công cụ thích hợp trong từng thời kỳ để bảo vệ lợi ích quốc gia. Chính phủ Thụy Sĩ cho rằng tuy chiến tranh lạnh đã kết thúc, nhưng tình hình chính trị, an ninh thế giới vẫn căng thẳng, mất ổn định, nguy hiểm, chính sách trung lập vẫn là một công cụ thích hợp cho việc thực thi chính sách đối ngoại và an ninh của mình. Thụy Sĩ cam kết không đứng vào bên nào trong các cuộc xung đột theo trách nhiệm và nghĩa vụ luật quốc tế quy định đối với các quốc gia trung lập. Mặc dù là nơi đặt trụ sở lớn thứ hai của Liên Hợp Quốc (sau New York), đến năm 2002, Thụy Sĩ mới gia nhập tổ chức này. Những mục tiêu chủ yếu trong chính sách đối ngoại trung lập của Thụy Sĩ:
- Cùng tồn tại hòa bình giữa nhân dân các dân tộc;
- Thúc đẩy và tôn trọng nhân quyền;
- Phát triển môi trường bền vững;
- Đại diện cho lợi ích của doanh nghiệp Thụy Sĩ ở nước ngoài;
- Chống đói nghèo trên thế giới.
Thụy Sĩ có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới và tham gia vào nhiều Tổ chức quốc tế như: Liên Hợp quốc (UN), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO), Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hội nghị của Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), Câu lạc bộ Paris, ASEM…
Cho đến nay Thụy Sĩ chưa gia nhập EU, nhưng EU là đối tác quan trọng nhất của Thụy Sĩ cả về chính trị và kinh tế, gắn bó với EU bằng sự gần gũi về địa lý và văn hóa. 60% xuất khẩu của Thụy Sĩ là vào EU và nhập khẩu từ EU chiếm 80% kim ngạch nhập khẩu. Thụy Sĩ đã ký với EU nhiều Hiệp định song phương quan trọng, bao trùm hầu hết các lĩnh vực kinh tế, thuế quan, an ninh, nông nghiệp, tự do đi lại, thông tin, môi trường... Từ tháng 12/2008, Thụy Sĩ chính thức gia nhập Hiệp ước Schengen (quy định công dân nước ngoài có visa với thời hạn dưới 90 ngày của một nước tham gia Hiệp ước được phép đi lại tự do tới các nước tham gia còn lại), đánh dấu mốc mới trong quá trình hội nhập của Thụy Sĩ vào châu Âu thời kỳ sau chiến tranh lạnh./.

Bài viết liên quan

Đối tác