Guốc gỗ Hà Lan

Đây là một đồ vật đặc biệt của người Hà Lan, một bộ phận quan trọng cấu thành phục trang dân tộc của Hà Lan.
Hà Lan là nước thấp hơn mực nước biển, mùa đông giá rét, độ ẩm cao, mặt đất tích nước. Ngày xưa, nông dân ở đây rất nghèo khổ, đến nỗi không thể mua nổi đôi giày nhưng cũng không thể đi chân không trên băng giá. Thế là họ khoét rộng miếng gỗ, tạo thành một cái đế chắc chắn, mũi guốc vểnh lên như chiếc thuyền. Trong lòng guốc thêm rơm nên đi vào vừa êm vừa ấm áp. Từ đó guốc gỗ được lưu hành rộng rãi ở Hà Lan.

Ban đầu, chỉ có đế guốc được làm bằng gỗ còn quai guốc được làm bằng da. Dần dần, để bảo vệ đôi chân khỏi mùa đông băng giá, người dân Hà Lan đã thay thế hoàn toàn quai da bởi gỗ.

Các loại gỗ thường được chọn để đóng guốc như: gỗ cây dương tía, cây liễu, cây tần bì… Chiếc guốc ra đời nhằm giúp họ di chuyển dễ hơn qua các vùng đầm lầy ẩm ướt, giúp chân họ không bị bò dẫm lên khi thực hiện công việc vắt sữa bò.

Chiếc guốc gỗ còn góp mặt trong các điệu nhảy truyền thống, Klompendanskunt, ở các lễ hội của làng mạc Hà Lan xưa và nay. Guốc để nhảy được đóng bởi gỗ tần bì, với màu sắc trang trí bắt mắt và nhẹ hơn bình thường. Các vũ công sẽ tạo ra các điệu nhảy vui nhộn bằng cách gõ mũi và đế guốc xuống sàn gỗ.

Ở Hà Lan, guốc gỗ còn là tín vật đính ước. Nam nữ khi đính hôn, người con trai phải tặng người con gái một đôi guốc gỗ. Có đám cưới cô dâu chú rể còn tặng guốc cho những người đến dự. Ngày nay, ở các thành phố Hà Lan, ít thấy người nào đi, nhưng guốc gỗ vẫn được bày bán, trở thành một món quà không thể thiếu cho mỗi khách du lịch khi đến thăm và muốn lưu giữ chút kỷ niệm về đất nước của những chiếc cối xay gió và hoa tulip xinh đẹp, yên bình này.

 

Bài viết liên quan

Đối tác